Giáo phận của Việt Nam
Ngày 9 tháng 7 năm 1659: Giáo hoàng Alexandre VII bổ nhiệm hai linh mục Francois Pallu và Lambert de la Motte làm giám mục tiên khởi cho hai giáo phận của Việt Nam đầu tiên:
Giáo phận Đàng Trong: từ sông Gianh trở vào nam, bao gồm Cao Miên và Chiêm Thành, trao cho Giám mục Pallu.
Giáo phận Đàng Ngoài: từ sông Gianh trở ra bắc, và miền nam Trung Hoa, trao cho Giám mục Lambert de la Motte.
Ngày 31 tháng 1 năm 1668: tại Juthia (kinh đô cũ của Thái Lan), Giám mục Lambert de la Motte tấn phong linh mục cho 4 thầy giảng: Giuse Trang và Luca Bền thuộc giáo phận Đàng Trong, và Gioan Huệ và Benedictô Hiền thuộc giáo phận Đàng Ngoài. Đây là 4 vị linh mục tiên khởi của Giáo hội Công giáo Việt Nam.
Năm 1669: Giám mục Lambert de la Motte tấn phong thêm 7 vị linh mục Việt Nam.
Năm 1670: Giám mục Lambert de la Motte chuẩn y thành lập dòng Mến Thánh Giá cho các nữ tu Việt Nam.
Năm 1678: Giám mục Pallu, từ Thái Lan về Roma, đề nghị tấn phong giám mục cho 6 linh mục trong số các linh mục tiên khởi. Tuy nhiên đề nghị này đã bị Tòa Thánh bác bỏ.
Năm 1679: Giáo phận Đàng Trong tách rời thành hai giáo phận mới, lấy sông Hồng làm ranh giới. Hai giáo phận Đàng Ngoài mới, gồm 2 giám mục, 7 vị thừa sai người Pháp, 11 linh mục người Việt và hơn 200,000 tín hữu, là:
Giáo phận Đông Đàng Ngoài (Hải Phòng): từ sông Hồng đến các tỉnh ven biển, trao cho Giám mục Deydier.
Giáo phận Tây Đàng Ngoài (Hà Nội): từ sông Hồng đến biên giới Ai Lao, đặt dưới sự cai quản của Đức tân Giám mục De Bourges.
Năm 1693: Giám mục Deydier mất, Giám mục De Bourges phải cai quản hai giáo phận. Vì tình trạng thiếu hụt thừa sai nên Giám mục De Bourges đã nhượng địa phận Đông cho Dòng Đa Minh, có trụ sở tại Manila (Philippines).
Năm 1844: Giáo hoàng Gregory XVI chia giáo phận Đàng Trong thành hai giáo phận mới:
Giáo phận Bắc Đàng Trong (Qui Nhơn): do Giám mục Cuenot Thể đảm nhiêm.
Giáo phận Nam Đàng Trong (Sài Gòn): trao cho Đức tân Giám Mục D. Lefebre Ngãi.
Năm 1846: Giáo phận Tây Đàng Ngoài (Hà Nội) được cắt để thành lập Giáo phận Vinh. Tân giáo phận, bao gồm Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh và một phần tỉnh Quảng Bình, được ủy thác cho Giám mục J. Gauthier Hậu.
Năm 1848: Tòa Thánh thiết lập thêm địa phận mới gồm hai tỉnh Nam Định và Hưng Yên, tách rời từ Giáo phận Đông (Hải Phòng) để thành lập Giáo phận Bùi Chu (Trung). Tân giáo phận được giao cho Giám mục D. Martin Gia cai quản.
Năm 1850: Tòa Thánh cắt Giáo phận Bắc Đàng Trong (Qui Nhơn), gồm các tỉnh Quảng Bình, Thừa Thiên, Quảng Trị, để thành lập Giáo phận Huế và đặt Giám mục Pellerin (Phan) cai quản.
Năm 1850: Giáo phận Nam Vang tách rời từ Giáo phận Sài Gòn và trao lại cho Giám mục J. Michel Mịch.
Năm 1883: Giáo phận Bắc Ninh được thành lập, tách rời từ Giáo phận Hải Phòng, và bao gồm các tỉnh Bắc Ninh, Thái Nguyên, Lạng Sơn và Cao Bằng. Tân giáo phận trao cho Giám mục Colomer Lễ.
Năm 1895: Giáo phận Hưng Hóa, gồm các tỉnh Sơn Tây, Yên Bái, Hòa Bình và Lai Châu được thành lập. Tân giáo phận được trao cho Giám mục Paul Maris Raymond.
Năm 1901: Giáo phận Phát Diệm (Thanh) được thành lập gồm hai tỉnh Thanh Hóa và Ninh Bình. Tân giáo phận tách rời từ Giáo phận Hà Nội và đặt dưới sự cai quản của Giám mục Alexandre Marcou Thành.
Năm 1913: Hạt phủ Doãn Lạng Sơn được thành lập, tách rời từ Giáo phận Bắc Ninh, và được ủy thác cho các vị thừa sai dòng Đa Minh Lyon đảm trách.
Năm 1932: Giáo phận Thanh Hóa, gồm các tỉnh Thanh Hóa và Sầm Nứa (Ai Lao), được thiết lập. Tân giáo phận tách rời từ Giáo phận Phát Diệm, và đặt dưới sự hướng dẫn của Giám mục Louis de Cooman Hành.
Năm 1932: Giáo phận Kontum được thành lập, bao gồm 3 tỉnh Kontum, Darlac và Pleiku; tân giáo phận tách rời từ địa phận Qui Nhơn và đặt dưới sự hướng dẫn của Giám mục Jannin Phước.
Ngày 11 tháng 6 năm 1933, tại Đền Thánh Phêrô (Roma), Giáo hoàng Pius XI đã tấn phong vị giám mục tiên khởi cho Giáo hội Công giáo Việt Nam là Giám mục Baotixita Nguyễn Bá Tòng. Ông là Giám mục phó với quyền kế vị Giáo phận Phát Diệm.
Năm 1935: Giám mục Đa Minh Hồ Ngọc Cẩn, vị giám mục thứ hai của Việt Nam được tấn phong tại nhà thờ Phú Cam (Huế). Ông là Giám mục phụ tá với quyền kế vị Giáo phận Bùi Chu.
Năm 1936: Giáo phận Thái Bình được thiết lập, tách rời từ Giáo phận Bùi Chu, bao gồm hai tỉnh Thái Bình, Hưng Yên. Tân giáo phận đặt dưới sự cai quản của Giám mục Cassado Thuận.
Năm 1938: Giáo phận Vĩnh Long, gồm các tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre (Kiến Hòa) và Trà Vinh (Vĩnh Bình), được lập. Tân giáo phận tách rời từ Giáo phận Sài Gòn và trao cho Giám mục Phêrô Martino Ngô Đình Thục. Ông được tân phong vào ngày 4 tháng 5 năm 1938 tại Huế, do Đức Khâm sứ Tòa Thánh tại Việt Nam là Giám mục Drapier chủ sự.
Năm 1939: Hạt Lạng Sơn được Tòa Thánh nâng lên hàng giáo phận, và trao cho Giám mục Felix (Minh) quản nhiệm.
Năm 1940: Thêm một vị giám mục nữa được tấn phong là Giám mục Gioan Maria Phan Đình Phùng. Ông là Giám mục phụ tá với quyền kế vị địa phận Phát Diệm.
Năm 1944: Giám mục Gioan Maria Phan Đình Phùng tạ thế. Cố giám mục sinh tại làng Kiến Thái, Kim Sơn (Phát Diệm). Sau khi hoàn tất học vấn tại chủng viện Phúc Nhạc, ông du học tại Giáo hoàng Học viện Penang, thụ phong linh mục ngày 5 tháng 4 năm 1924 và được đề cử làm giáo sư chủng viện Penang cho đến năm 1940, được Tòa Thánh tấn phong giám mục vào ngày 3 tháng 12 năm 1940. Ông mất đột ngột vào ngày 28 tháng 5 năm 1944 tại tu viện Châu Sơn, Nho Quan.
Năm 1945: Sau Đệ nhị thế chiến, Tòa Thánh lưu tâm đến việc tuyển chọn hàng giáo sĩ Việt Nam lên phẩm trật giám mục để lèo lái con thuyền giáo hội Việt Nam. Tòa Thánh bổ nhiệm giám mục mới: Giám mục Anselmo Lê Hữu Từ, bấy giờ đang là Bề Trên Đan viện Xitô Phước Sơn (Nho Quan). Ông là vị giám mục người Việt thứ năm.
Năm 1948: Giám mục Đa Minh Hồ Ngọc Cẩn từ trần. Cố giám mục sinh ngày 3 tháng 12 năm 1876 tại Ba Châu (Huế), theo học tiểu chủng viện An Ninh (Quảng Trị), đại chủng viện Phú Xuân (Huế). Ông thụ phong linh mục ngày 20 tháng 12 năm 1902, sau đó lần lượt giữ chức cha phó xứ Kẻ Văn, chánh xứ Kẻ Hạc, giáo sư chủng viện An Ninh (1910). Năm 1935, Giám mục Monagorri mất, Giám mục Đa Minh chính thức nhận quyền Giám mục Bùi Chu. Giám mục Đa Minh mất ngày 27 tháng 11 năm 1948 tại Bùi Chu sau 12 năm cai quản giáo phận.
Năm 1950: Giám mục Đa Minh Hoàng Văn Đoàn được tấn phong giám mục tại Roma ngày 3 tháng 9 năm 1950, và nhận quyền Giám mục Giáo phận Bắc Ninh.
Năm 1950: Giám mục Giuse Maria Trịnh Như Khuê được tấn phong giám mục và đảm nhận địa phận Hà Nội.
Năm 1950: Giám mục Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi được tấn phong giám mục và đảm nhận Giáo phận Bùi Chu.
Năm 1950: Giám mục tiên khởi Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng tạ thế. Ông sinh ngày 7 tháng 8 năm 1868 tại Gò Công, theo học các trường các thày dòng tại Định Tường đến năm 1880. Sau đó ông được gửi theo học tại Đại chủng viện Sài Gòn. Ngày 19 tháng 9 năm 1896, Giám mục Depiere tấn phong linh mục cho cha Gioan Baotixita và chọn người làm thư ký Tòa Giám mục. Trước khi được tấn phong giám mục, ông lần lượt giữ chức cha sở họ Tân Định, Bà Rịa. Năm 1935, Giám mục Marcou Thành từ chức, trao quyền Giám mục Giáo phận Phát Diệm cho Giám mục Nguyễn Bá Tòng. Đây là giáo phận thứ nhất được ủy thác cho hàng giáo sĩ Việt Nam.
Năm 1951: Giáo phận Vinh trao cho tân Giám Mục Baotixita Trần Hữu Đức.
Năm 1953: Giám mục Giuse Trương Cao Đại nhận quyền Giám mục Giáo phận Hải Phòng. Đức tân giám mục sinh ngày 4 tháng 6 năm 1913 tại làng Tiền Môn, An Lập, Thái Bình. Năm 1927, ông theo học tại tiểu chủng viện Ninh Cường, sau đó tại Giáo hoàng Học viện Nam Định. Năm 1936, ông được gửi sang học ở Đa Minh Học viện tại Hương Cảng, sau đó tại Manila và đậu tiến sĩ tại Đại học Thánh Thomas. Năm 1953, Tòa Thánh chọn ông làm giám mục cai quản địa phận Hải Phòng, nhưng được hơn một năm thì phải di cư vào Nam. Ông định cư tại Madrid (Tây Ban Nha) và mất tại đó vào năm 1955.
Năm 1955: Giáo phận Cần Thơ được thành lập và được giao cho tân Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình. Ông sinh tại Tân Định ngày 1 tháng 9 năm 1910, gia nhập tiểu chủng viện Sài Gòn năm 1922. Năm 1932, Giám mục Dumortier gửi ông qua Roma theo học trường Truyền Giáo, và thụ phong linh mục năm 1937. Trước khi Tòa Thánh chọn ông làm giám mục, cha Bình lần lượt giữ các chức vụ như: giáo sư chủng viện (1943), tuyên úy các sư huynh Sài Gòn. Năm 1948, thực hiện tờ báo Tông Đồ, cha xứ họ Cầu Đất. Ngày 20 tháng 9 năm 1955, Tòa Thánh chọn ông làm Giám mục cai quản Giáo phận Cần Thơ. Năm 1960, Giám mục Bình thuyên chuyển về Sài Gòn và làm Tổng giám mục địa phận Sài Gòn cho đến ngày qua đời.
Năm 1955: Giám mục Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền được tấn phong giám mục và đảm nhận Giáo phận Sài Gòn, thay thế Giám mục Cassaige Sanh từ chức để đi làm tuyên úy Trại cùi Di Linh.
Năm 1957: Tòa Thánh cắt hai tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận (thuộc địa phận Qui Nhơn) và hai tỉnh Bình Thuận và Bình Tuy (thuộc địa phận Sài Gòn) để thiết lập Giáo phận Nha Trang. Tân giáo phận này trao cho Giám mục Piquet Lợi.
Năm 1975: Giám mục Nicolas Huỳnh Văn Nghi về giám quản Giáo phận Phan Thiết mới được thành lập từ việc chia cắt tỉnh Bình Thuận và Bình Tuy cũ từ Giáo phận Nha Trang nhập về làm giáo phận mới.
Source: wikipedia