Thứ Tư, 6 tháng 4, 2016

Vai Trò Phó Tế

Phó Tế là ai?

Phó Tế được gọi để phục vụ. Danh từ “Phó Tế” đến từ gốc Hy Lạp, diakonia, có nghĩa là phục vụ. Trong năm thế kỷ đầu, chức Phó Tế đã hiện diện và phục vụ khắp nơi trong Giáo Hội. Với những lý do khác nhau, vai trò Phó Tế giảm dần và biến mất trong Giáo Hội Công Giáo La-Mã ở Phương Tây. Chỉ còn lại chức Phó Tế Chuyển Tiếp, “Transitional Deacon,” ban cho các đại chủng sinh trước khi truyền chức linh mục.

Vào thời Công Đồng Tren-tô (1545-1563), đã kêu gọi hồi phục lại chức Phó Tế Vĩnh Viễn trong toàn thể Giáo Hội. Mãi hơn bốn trăm năm sau, Công Đồng Vatican II mới quyết định tái lập chức Phó Tế như là một cấp trật riêng và vĩnh viễn của phẩm trật trong Giáo Hội La-Mã.

Không có sự khác biệt gì về dấu ấn bí tích hay chức năng giữa Phó Tế Vĩnh Viễn và Phó Tế Chuyển Tiếp.


Chức Phó Tế Vĩnh Viễn là bậc đầu tiên của Hàng Giáo Sĩ Triều thuộc Điạ Phận, nhưng không phải là bậc linh mục hoặc bậc giám mục. Người phó tế không còn là giáo dân nhưng là một giáo sĩ.

Như tất cả các giáo sĩ, phó tế tham dự vào ba thừa tác vụ của Đức Giêsu Kitô; phục vụ tại bàn thờ, công bố Phúc Âm và rao giảng Lời Chúa, hiến thân cho những công việc bác ái. Phó Tế đại diện cho “Đức Kitô, Người Phục Vụ,” trong ơn gọi của mình.  Giống như mọi giáo sĩ, họ được nuôi dưỡng bằng những giờ Kinh Thần Vụ và thói quen xét mình sám hối trong ngày.

Vai Trò Phó Tế trong Phụng Vụ


Trong Phụng Vụ Thánh Lễ, có một số nghi thức thuộc nhiệm vụ của thầy Phó Tế, bao gồm: xướng Kinh Thương Xót, công bố Phúc Âm, đọc các Ý Nguyện Giáo Dân, chuẩn bị bàn thánh trước khi đón nhận lễ phẩm dâng tiến, chuẩn bị chén Thánh, cùng nâng chén Thánh với chủ tế, mời cộng đoàn Chúc Bình An, cho giáo dân rước lễ, lau và tráng chén Thánh sau rước lễ, xướng lời kết lễ giải tán dân chúng.

Trong một nghi thức mang nhiều ý nghĩa nhất, nhưng ít được để ý đến vì được làm trong thinh lặng, đó là khi chuẩn bị chén rượu thánh cho Hy Lễ Tạ Ơn. Vị Phó Tế đổ một giọt nước vào trong rượu, ngài dâng lời cầu nguyện không chỉ cho riêng mình, nhưng cho hết thảy mọi người: “Nhờ mầu nhiệm nước hoà chung với rượu, xin cho chúng con được thông phần bản tính Thiên Chúa của Đấng đã đoái thương chia xẻ thân phận làm người.” Biểu tượng hòa một vài giọt nước lã vào rượu nồng thơm ngon để trở nên Máu Thánh Đức Kitô, nói lên sự biến đổi hoàn toàn được hứa ban trong chúng ta qua bí tích Thánh Thể và việc làm của Chúa Thánh Thần.

Phong tục phụng vụ trong giáo hội đã tỏ lộ rõ vai trò phó tế khác biệt với linh mục và giáo dân. Thí dụ, tu phục phụng vụ riêng cho phó tế gồm có: aó thụng dài màu trắng, dây cột ngang lưng, dây bí tích stô-la, và áo lễ phó tế dalmatic. Giáo dân nhận ra một phó tế vì dây bí tích stô-la được mang chéo nơi vai trái, khác với dây bí tích của linh mục được khoác từ cổ chạy thẳng xuống.


Vai Trò Phó Tế bên ngoài bổn phận về Phụng Vụ


Ngoài bổn phận về Phụng Vụ, vị Phó Tế Vĩnh Viễn còn có những vai trò khác nhau tùy theo nhu cầu của giáo xứ mà họ đang phục vụ, bao gồm:
- Vai trò quản trị - quản lý và điều hành Giáo Xứ khi không có linh mục
- Thăm viếng bệnh nhân, quan tâm đến các bậc cao niên
- Thi hành mục vụ nhà thương, nhà dưỡng lão, nhà tù trong vai trò tuyên úy.
- Quan tâm đến mục vụ người nghèo
- Lưu tâm đến người bê tha hút sách, hoặc nghiện rượu
- Thăm viếng tù nhân trong trại giam
- Giúp đỡ những người có trở ngại về tâm lý, thể lý
- Dậy Giáo Lý cho Trẻ Em, cho Tân Tòng
- Chuẩn bị đời sống Hôn Nhân cho các bạn sắp lập gia đình
- Và những thừa tác vụ khác liên quan đến đời sống Kitô Hữu


Phó Tế không được trả lương cho những thời giờ và công việc mục vụ mà họ phục vụ cho Thiên Chúa và Giáo Hội. Các Phó Tế tự lo cho bản thân mình như mọi người, qua việc làm hàng ngày, hoặc sống bằng lương bổng hưu trí.