Trước hết có câu hỏi cần đặt ra: Tại sao Đạo Công Giáo lại cần phải tái khám phá ? Lý do được nêu ra là vì con người nói chung và người Công giáo nói riêng không còn biết đến mục đích sống của đời mình là gì “Thảm kịch lớn nhất của Đạo Công Giáo thời hiện đại chính là ở chỗ chúng ta đang đánh mất mục đích của đời sống Kitô hữu. Theo kinh nghiệm của tôi phần đông người Công giáo không biết mục đích của đời sống kitô hữu là gì. Một số khác thì quẳng lý tưởng này sang một bên vì theo họ nó chẳng có lợi gì cho cuộc sống hiện đại. Thật là thảm thương và vẫn còn đó một số đông chưa từng bao giờ được nghe nói về mục đích chính yếu ấy một cách rõ ràng mạch lạc”.
Dù là đời thường hay đời tâm linh người ta làm gì cũng cần phải biết đến mục đích của nó. Người học trò đi học là để mong có ngày tốt nghiệp đỗ được bằng này cấp kia. Người nông dân trồng cây gieo hạt ai mà chẳng mong đến ngày nó sinh hoa kết quả. Có làm là có hy vọng và chính bởi vì hy vọng như thế nên người ta mới cố gắng làm lụng vun xới để cho kết quả được mỹ mãn. Ngược lại làm việc mà chẳng có chút hy vọng gì thì chắc chắn chẳng ai còn bỏ công sức ra làm gì… Trong lãnh vực đời thường đã vậy thì đời tâm linh cũng không khác có nghĩa cũng cần phải có hy vọng. Tuy nhiên hy vọng trong đời tâm linh hoàn toàn khác với đời thường ở chỗ, một đàng chỉ có ở đời này, một đàng thì ở đời sau. Nuôi hy vọng ở đời này nó rất cụ thể ai cũng có thể kiểm chứng kết quả trong một thời gian nào đó. Trái lại hy vọng về đời sau tức hy vọng được cứu độ thì không như thế bởi vì hy vọng ở đây chỉ có ở trong đức tin thôi “Vì chúng ta được cứu trong sự hy vọng nhưng sự hy vọng đã thấy được thì chẳng phải là sự hy vọng vì có ai lại hy vọng điều mình đã thấy rồi ư ? Song nếu chúng ta hy vọng điều mình chưa thấy thì chúng ta mới nhẫn nại mà đợi trông” (Rm 8, 24 -25).
Sống không có hy vọng đó là nguyên nhân sâu xa phát sinh đủ mọi thứ tâm bệnh cá nhân như trầm cảm, điên khùng, chán đời, muốn tự sát v.v… Còn đối với xã hội kể cả trong tôn giáo thì tất yếu sẽ đưa đến hỗn loạn mất phương hướng “Thời đại chúng ta đang bị mắc kẹt bởi một sự hỗn loạn kinh hoàng liên quan đến tư tưởng tôn giáo. Sự hỗn loạn này tồn tại cả bên trong và bên ngoài Giáo Hội. Tiên tri Amos đã từng nói về sự đói khát chân lý (cf Am 8, 11). Tôi nghĩ rằng lời tiên tri của ông cũng đúng với thời đại chúng ta. Đánh mất mục tiêu chính yếu chính là nguyên do gây ra sự điên rồ của thời hiện đại”.
Thời đại ngày nay điên rồ bởi vì đã đánh mất mục tiêu chính yếu. Vậy thử hỏi đâu là mục tiêu chính yếu con người cần hướng tới ? Xin thưa đó là phải trở về với Đấng Cha là Thiên Chúa nội tại ở nơi mỗi người. Điều kiện tiên quyết cho bất cứ cuộc trở về nào cũng không ngoài ra là cái sự NHỚ. Trong số hàng vạn con chim én bay khắp vòm trời kiếm mồi nhưng con nào cũng biết quay về đúng tổ của mình không hề lầm lẫn là vì cái bản năng NHỚ của nó. Những loại côn trùng như con ong cái kiến… cũng đều do bản năng mà nhớ được tổ của mình để trở về. Còn con người vì là loài không sống bằng bản năng nên trong cái sự NHỚ ấy không giống với loài vật. Mặc dầu không có bản năng NHỚ như loài vật nhưng con người cũng cần phải biết tới cái cội nguồn mà từ đó mình sinh ra. Nhớ được cội nguồn từ đâu mình sinh ra đó là một trong ba nan đề của triết học = Con người sinh ra bởi đâu ? (Nhân sinh hà tại) Sống trên đời này để làm gì ? (Tại thế hà như) và chết rồi đi đâu ? (Hậu thế như hà).
Có thi sĩ người Ba Tư nói đùa rằng triết học là bản thảo lúc đem đi in đã để thất lạc đâu mất trang đầu và trang cuối. Có nghĩa triết học không thể giải quyết được cả hai vấn đề sinh và tử của con người. Chính bởi không biết sinh bởi đâu chết đi đâu về đâu thế nên tất nhiên triết học cũng không có cách chi biết được mục đích con người sống trên đời để làm gì. Sống mà không biết sống để làm gì thì cũng giống như người đi đường mà chẳng biết mình sẽ đi về đâu ? Đi mà không biết mình đi đâu về đâu thì chắc chắn nếu không sa hầm sụp hố thì cũng lạc vào những ngõ cụt tối tăm lầy lội.
Phải giải quyết được vấn đề sinh và tử thì mới có thể biết con người sống trên đời để làm gì. Tuy nhiên trước sau gì thì đối với triết học vấn đề sinh và tử vẫn là một nan đề không thể giải quyết. Nguyên do là vì đã có sự sai lầm ngay trong cách thức đặt câu hỏi. Thay cho mệnh đề “Con người bởi đâu sanh ra v.v… thì phải là “Tôi bởi đâu sanh ra v.v…” Nói con người chung chung đó là tính cách của triết học duy lý chứ không phải của tôn giáo. Khi nói con người chung chung như một khái niệm thì nó chẳng hề có quan hệ gì tới bất kỳ một ai và vì thế đâu cần chi câu trả lời ? Để có được câu trả lời thì nhất thiết phải là tôi (Ngôi thứ nhất) là chính cái mình mày (Tôi – Même).
Chỉ có tôi mới có thể có câu trả lời bởi đó mà nói tôn giáo hiểu như con đường thực hiện tâm linh trước hết đó là hành vi của từng mỗi cá nhân, không ai có thể thay cho ai được. Chúa Giêsu kêu gọi và biết rõ từng người “Chiên Ta thì nghe tiếng Ta. Ta biết nó và nó theo Ta. Ta ban cho nó sự sống đời đời. Nó hẳn chẳng hư mất bao giờ. Chẳng ai có thể giật nó khỏi tay Ta. Cha Ta là Đấng đã ban nó cho Ta vốn là Đấng lớn hơn hết. Chẳng ai có thể giật nó khỏi tay Cha Ta. Ta với Cha là một” (Ga 10, 27 -30).
Là chiên thì nghe tiếng chủ chiên, có nghe tiếng chủ chiên thì mới có được sự sống đời đời. Con người ngày nay đã không con nghe tiếng chủ chiên là Chúa Giêsu để chỉ còn nghe tiếng thế gian là tiếng khiến cho con người phải làm nô lệ cho đủ thứ dục vọng “Khi tôi đi du lịch vòng quanh thế giới tôi thấy có một điều không thể không ghi nhận đó là cuộc sống con người ngày càng trở nên vội vã và bận rộn hơn. Càng ngày chúng ta càng trở nên nô lệ cho cuộc sống và bị chết ngạt với sự bon chen khốc liệt của xã hội. Nhiều ngươi cay cực khổ não bởi vì ám ảnh bởi cảm tưởng là cuộc sống của mình mau qua chóng hết vùn vụt tựa bóng câu. Trong bối cảnh hiện đại này hầu như người ta không còn biết cố gắng mà chỉ còn cố sống vật vờ mà thôi. Đấy chẳng phải là một nỗi thất vọng câm nín trong cuộc đời sao ?”.
Một khi không còn biết đến mục đích sống thì dù là người có đạo họ cũng sống vật vờ có nghĩa tất cả việc gọi là… sống đạo ấy chỉ còn là một thứ hình thức nhạt nhoà. Cho rằng mình tin đó nhưng thực sự chẳng biết tin vào ai vào cái gì ? Hàng tuần cũng đi đến nhà thờ cũng lên rước lễ nhưng tâm hồn thì trống rỗng chỉ mong cho những việc ấy qua mau. Cũng nghiêm chỉnh nghe Lời Chúa cũng nói lời ngợi khen nhưng thật tình chẳng hiểu Chúa muốn nói gì !!! Vừa ra khỏi nhà thờ thì lập tức bỏ Chúa lại sau lưng để sống hoàn toàn như những người không có Chúa nghĩa là cũng đầy dẫy tham sân. Người Công giáo sống không có mục đích, Mathew Kelly cho đó là tấn thảm kịch của thời đại và một trong những nguyên nhân quan trọng đưa đến thảm trạng ấy là vì phần đông người ta chưa ai được nghe nói về mục đích chính yếu của người có đạo là gì.
Điểm khác biệt có tính triệt để giữa triết học và tôn giáo là ở chỗ, một đàng là để giải nghĩa về cái căn nguyên tạo thành vũ trụ vạn vật một đàng là tìm kiếm hòng khám phá ra cái căn nguyên ấy ở nơi chính mình. Bất cứ giải nghĩa nào cũng chỉ đưa đến những khái niệm chết khô. Thiên Chúa đối với triết/thần học trước sau cũng chỉ là một thứ khái niệm chết và nó chẳng có chút chi quan hệ tới cuộc sống hạnh phúc hay khổ đau của con người. Đang khi đó mục đích của tôn giáo là để đem đến sự giải thoát khi nhận biết Sự Thật “Sự thật sẽ giải thoát các ngươi” (Ga 8, 32). Sự thật cần nhận biết ấy đó là mỗi một người trong chúng ta đều là Con Thiên Chúa giống như Chúa Giêsu không khác một mảy. Về bản chất Con Thiên Chúa thì giống nhưng có điều khác biệt này là phàm nhân chúng ta không một ai nhận ra chân lý ấy. Riêng chỉ Đức Kitô và những ai được Ngài mạc khải mới biết “Ngoài Cha không ai biết Con, ngoài Con và người nào Con muốn mạc khải cũng không ai biết Cha” (Lc 10, 22).
Đức Kitô mạc khải về Đấng Cha và điều kiện tiên quyết là chúng ta cần phải đặt hết lòng tin nơi Ngài. Tin Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ đó là giáo huấn của các Tông Đồ ngay từ buổi sơ khai Giáo Hội “Mỗi ngày tại đền thờ hoặc ở nhà họ không ngớt dạy và giảng Chúa Giêsu là Đấng Kitô” (Cv 5, 42).
Tin Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ đó phải là niềm tin căn bản của người Công giáo. Thế nhưng niềm tin ấy ngày nay hầu như đang sụp đổ. Lý do là vì người ta đã không nhận ra tính chất Cứu Độ mà Ngài đem đến cho nhân loại là gì. Chúa cứu độ nhưng là cứu cái gì ? Cứu phần vật chất xác thân hay là cứu phần tâm linh ? Đức Kitô rao giảng Tin Mừng Nước Trời và đòi hỏi con người phải có lòng tin và sự ăn năn sám hối (Mc 1, 15) Nhưng rồi người ta lại biến Nước Trời mầu nhiệm nội tại thành ra thứ Nước Trời Tục Hoá “Vậy Nước Thiên Chúa mà Đức Kitô rao giảng không phải là một thực thể ở trên trời nhưng là một tình trạng tương lai ở thế gian khi người nghèo không còn nghèo, người bị áp bức không còn bị áp bức. Nó được biểu thị bằng một ngôi nhà hay một đô thị có tường thành bao quanh” (Albert Nolan – Đức Kitô trước khi có Kitô giáo).
Đối với Nước Trời… tục hoá thì đâu cần gì phải tin phải ăn năn sám hối làm gì ? Các Bí Tích nhất là Bí Tích Thánh Thể đem lại sự sống đời đời cũng đâu có giá trị gì nữa ? Cũng vì chủ trương một thứ Nước Trời Tục Hoá mà người ta đang muốn khôi phục Thần Học Giải Phóng một thứ sản phẩm sặc mùi Mácxít từ lâu đã bị thiên hạ vứt vào sọt rác. Lại nữa cũng vì đi vào con đường tục hoá mà chúng ta thấy tình trạng phạm Thánh nghiêm trọng diễn ra ở khắp nơi khắp chốn. Vừa đây họ đã sử dụng tiền đường đền Thánh Phêrô làm nơi quảng diễn bảo vệ môi trường với đủ thứ hình chiếu những con thú cọp beo rắn rết… hết sức kinh tởm. Còn ngay tại Sài Gòn nhà thờ Xóm Thuốc Gò Vấp trong cái gọi là Đại Hội Giới Trẻ từng đoàn nam nữ y phục hở hang đã lấy gian Cung Thánh làm nơi biểu diễn những vũ điệu dâm dật lắc ngực lắc mông một cách trơ tráo !!!
Với những biến tướng đáng sợ như thế Đạo Công giáo hoàn toàn mang một bộ mặt khác đến nỗi không ai có thể nhận ra. Cái gì cũng có nguyên nhân của nó và nguyên nhân gây ra thảm trạng như hiện nay đang thấy đúng như nhận định của Mathew Kelly là do đã không nhận ra mục đích chính yếu của việc sống đạo. Mục đích ấy như đã nói đó là cần phải trở về với Đấng Thiên Chúa nội tại là Cha của mỗi người và mục đích ấy chính là Ơn Gọi của người Công giáo “Chỉ có một thân thể một Thánh Linh cũng như trong sự kêu gọi mình mà anh em đã được gọi đến một hy vọng một Chúa một đức tin một phép rửa một ĐCT là Cha mọi ngươi Ngài vượt trên mọi người suốt qua mọi người và ở trong mọi người” (Ep 4, 4 -6).
Chỉ có một thân thể đó là Thân Mầu Nhiệm Chúa Kitô cũng là Hội Thánh Công Giáo Tông Truyền mà trong đó mỗi chúng ta đều là chi thể. Là chi thì phải gắn liền với thân để có sự sống “Ta là cây nho các ngươi là cành. Ai cứ ở trong Ta và Ta ở trong họ thì nấy kết quả nhiều vì ngoài Ta các ngươi không thể làm chi được. Còn nếu ai chẳng cứ ở trong Ta thì bị ném ra như nhánh kia khô héo rồi người ta lượm lấy quăng vào lửa mà đốt đi” (Ga 15, 5 -6).
Có “Ở” trong Chúa thì mới có được sự sống thần linh, ngược lại thì không. Để có thể “Ở” trong Chúa thì cần có hai điều một là phải đặt hết lòng tin vào Ngài; hai là vâng giữ các giới răn của Ngài. Hai điều này có một mối liên hệ khăng khít với nhau. Lòng tin chỉ có thể khởi phát và lớn lên khi chúng ta tuân giữ các giới răn. Trái lại không tuân giữ giới răn thì đức tin sẽ suy yếu và lòng yêu mến Chúa không thể có “Ai có các điều răn của Ta và giữ lấy ấy là kẻ thương yêu Ta. Còn ai thương yêu Ta sẽ được Cha Ta thương yêu lại. Ta cũng thương yêu người và tỏ chính mình Ta cho người.” (Ga 14, 21).
Tuân giữ các giới răn là việc vô cùng quan hệ để chúng ta có thể “Ở” được trong Chúa. Người Công giáo có Mười Điều Răn ĐCT và Sáu luật điều Hội Thánh phải tuân giữ. Lề luật giới răn là hết sức cần thiết cho việc sống đạo. Dẫu vậy cần nên nhớ là mục đích cốt lõi của việc giữ luật không phải là vì luật (vụ luật) nhưng là vì lòng yêu mến Chúa. Có không ít người Công giáo đi lễ ngày chủ nhật chỉ vì để không lỗi luật. Hoặc có người chỉ xưng tội rước lễ một lần trong Mùa Phục Sinh ngoài ra chẳng thiết tha gì tới Thánh lễ v.v…
Nếu chỉ giữ luật… vì luật thì không phải là yêu mến Chúa. Đang khi đó yêu mến Chúa là giới răn quan trọng bậc nhất: “Ngươi hãy hết lòng hết linh hồn hết ý chí mà thương yêu ĐCT ngươi. Ấy là điều răn lớn hơn và đầu nhất” (Mt 22, 37 -38). Để ý sẽ thấy cả trong Kinh Thánh Cựu Ước lẫn Tân Ước khi nói về Thiên Chúa (ĐCT) thì bao giờ cũng gắn với từ “Ngươi” nghĩa là Thiên Chúa của ngươi, ở trong ngươi. Chúng ta chỉ có thể thực thi giới răn yêu mến Chúa khi Ngài… ở trong ta. Trái lại làm sao ta có thể và phải yêu mến một đấng Chúa không ở cùng ta vì đó chỉ là một khái niệm không hơn không kém.
Thiên Chúa là Đấng… ở trong ta nhưng đó lại là Thiên Chúa ẩn giấu hầu cho ta phải hết lòng tìm kiếm mới gặp. Chẳng những con người tìm Chúa nhưng chính Ngài cũng muốn tìm ta “Nhưng giờ sắp đến mà nay đã đến rồi khi kẻ thờ lạy thật thì hãy lấy tâm thành và lẽ thật mà thờ lạy Cha vì Cha vẫn hằng tìm kiếm người dường ấy để thờ lạy Ngài” (Ga 4, 22-23). Phải tìm kiếm Chúa không chỉ ở đền thờ này hay núi nọ mà phải tìm kiếm nghĩa là phải NHỚ đến Chúa trong mọi nơi mọi lúc, khi vui cũng như lúc buồn. Chúa tìm kiếm ta nhớ đến ta. Còn phần mình ta cũng hết lòng tìm Chúa nhớ Chúa thì không thể không có ngày gặp được “Đồng thanh thì tương ứng, đồng khí thì tương cầu” chính là vậy.