Thứ Sáu, 6 tháng 5, 2016

Canh tân giáo lý


Từ xa xưa, việc dạy giáo lý được hiểu như là việc dạy giáo huấn Kitô giáo dựa vào “sách giáo lý”, ngày nay, dưới ánh sáng của những chỉ dẫn và những yêu cầu thực tế, Giáo lý được nhìn nhận như là việc phục vụ Lời Chúa, Lời nhập thể trong kinh nghiệm đức tin, trong việc thực hiện hành trình phát triển và trưởng thành một cánh sống động khi được tháp nhập vào kế hoạch canh tân tổng thể của Giáo Hội.
Theo hình thức giản lược, chúng ta có thể nhìn lại “khuôn mặt giáo lý được canh tân” qua những nét chính sau:
1.    Một định hướng căn bản mới: Giáo lý trong tiến trình Loan báo Tin Mừng
–          Việc dạy giáo lý được chuyển tiếp từ hoạt động mục vụ “hoán cải” đến mục vụ Loan báo tin Mừng, mục vụ Truyền giáo (kết thúc thời kỳ “Kitô giáo”).
–          Dạy Giáo lý, “thời điểm thiết yếu của tiến trình loan báo Tin Mừng” (HDTQ 63-64), không thể chỉ giới hạn vào việc thăng tiến mẫu người “Kitô hữu tốt” hoặc “người tín hữu thực hành đạo”, mà nhất là phải khơi dậy hình ảnh những Kitô hữu chân chính, từ đức tin cá nhân hóa nhờ thức tỉnh hoán cải, chọn lựa vì Tin Mừng và niềm vui được là Kitô hữu.
–          Giáo lý phải “phục vụ việc khai tâm Kitô giáo” (HDTQ 65-68). Ngay bước đầu tiên của “bài giáo lý” phải lập tức có mối bận tâm cho việc khai tâm: nếu như trước đây người ta quan tâm đến việc dạy các giáo điều, thì ngày nay người ta tái khám phá tầm quan trọng thiết yếu là tiến trình khai tâm, đó cũng là tiến trình dự tòng, tiến trình này như việc khởi đầu hoặc tái khai tâm đức tin Kitô giáo.
2.    Một nhận định mới về chủ thể và những chủ đích giáo lý:
–          Từ việc ưu tiên dạy giáo lý cho trẻ em và nhi đồng người ta hướng đến việc dạy giáo lý cho người lớn và người “trưởng thành” (HDTQ 172-176). Sự lưu tâm đến thế giới của thiếu nhi nhường chỗ ưu tiên hàng đầu cho giáo lý người lớn và giáo lý cho người trưởng thành, nhưng không xao nhãng việc giáo dục tôn giáo cho các trẻ em và người trẻ. Hơn nữa người ta cũng lưu tâm đặc biệt đến việc giáo dục tôn giáo cho những người khuyết tật, thường hay bị xao nhãng trong thực hành mục vụ.
–          Xuất hiện một tầm nhìn rộng lớn về nhiệm vụ giáo lý. Từ một giáo lý “đơn điệu” bị giản lược hầu như chỉ trong việc truyền bá kiến thức tôn giáo, người ta chuyển sang một viễn tượng rộng lớn hơn đó là việc đào tạo người Kitô hữu toàn diện (HDTQ 84) về kinh nghiệm niềm tin Kitô giáo.
–          Từ việc dạy giáo lý cá nhân chuyển sang việc dạy giáo lý theo hình thức cộng đoàn.Nhấn mạnh vai trò cần thiết của cộng đoàn và nhóm trong toàn bộ tiến trình trưởng thành đức tin: cộng đoàn được nhắc đến như điều kiện, nơi chốn, chủ thể, đối tượng và mục đích của giáo lý (HDTQ 141, 158, 219-221, 253-257).
–          Từ việc đặt trọng tâm vào thực hành đạo chuyển sang ưu thế của đức tin dấn thân.Người ta cảm thấy cần khuyến khích, cổ võ những “tín hữu dấn thân”, những người có niềm tin được đâm rễ sâu và những người mở ra dấn thân trong thế giới hơn là những “tín đồ thực hành đạo” (giữ đạo).
–          Từ một giáo lý “chuẩn bị” lãnh bí tích, chuyển sang giáo lý “giáo dục đức tin” (HDTQ 84). Từ định hướng truyền thống “sùng đạo” của việc dạy giáo lý phát sinh mối bận tâm về việc giáo dục thái độ  tin và giáo dục tình yêu như là “nghi lễ của cuộc sống”.
3.    Một cái nhìn mới về nội dung giáo lý
–          Kinh nghiệm, trước khi là giáo điều (HDTQ 116-117, 152-153). Thay vì nhắm vào việc thông truyền “giáo huấn” Kitô giáo, dạy giáo lý trước hết phải là việc “thông truyền kinh nghiệm đức tin”. Kinh nghiệm đức tin kitô giáo xây dựng nội dung giáo lý. Điều này không miễn trừ phương diện giáo huấn, nhưng kết hợp nó trong một bối cảnh rộng lớn và sống động hơn.
–          Từ giáo lý của chân lý “ban tặng” đến giáo lý của chân lý “ban tặng và lời hứa”. Với sự diễn tả này người ta nhấn mạnh đến bước chuyển tiếp từ việc truyền bá những chân lý đã được nắm giữ (giáo lý chỉ toàn những điều “chắc chắn”) đến một giáo lý mà không thỏa hiệp những yếu tố chắc chắn và quyết định về niềm tin Kitô giáo, việc dạy giáo lý cũng tuân theo chiều kích cánh chung của mạc khải, chân lý vẫn xảy đến vì còn tồn tại những điều chưa hoàn tất; vì thế việc dạy giáo lý phải là việc mở ra cho sự tìm kiếm, chiếu sáng cho bóng tối của sự hoài nghi và mở ra cho sự kiên trì trông đợi nữa.
–          Từ nội dung “gạn lọc kết tinh” đến sứ điệp nhập thể và nhập thế (hội nhập vào lịch sử). Thay vì một nội dung “bất biến”, bất di bất dịch theo thời gian, người ta nhấn mạnh đến chiều kích lịch sử của mạc khải và những cố gắng “nhập thể” hoặc “hội nhập văn hóa đức tin” trong những bối cảnh văn hóa khác nhau.
–          Từ giáo lý của “chân lý” đến sự quan tâm “tính có ý nghĩa”. Đối với định kiến giáo huấn mang tính thần học đúng đắn, nảy sinh việc đòi hỏi phải bảo đảm đặc tính “ý nghĩa”, sự sống, hiện sinh của sứ điệp được loan truyền. Không được phớt lờ “đòi hỏi chân lý”, mà trước hết phải khao khát thông truyền một giáo lý làm sao để người nghe cảm nhận được đặc điểm của “Tin Mừng”, của tin vui và của sứ điệp Kitô giáo.
–          Về mối bận tâm đối với tính chính thống là sự trung thành với các nguồn mạch (trước tiên hết là Thánh Kinh, trọng tâm là các Tin Mừng: HDTQ 41). Giáo lý chăm chú đến việc “trao” (chuyển giao) đức tin (HDTQ 85 và 88) đồng thời cảm thấy có bổn phận tái giáo dục tính khả tín của lời chứng (chứng từ).
4.   Một viễn tượng mới về sư phạm giáo lý
–          Từ việc đặt trọng tâm vào kiến thức đến việc đặt ưu tiên hàng đầu về thái độ (cf. HDTQ 85-86). Giáo lý không chỉ truyền bá toàn bộ di sản kiến thức tôn giáo, nhưng là phải hướng đến giáo dục thái độ nội tâm đức tin đúng đắn.
–          “Rao giảng Tin Mừng bằng giáo dục và giáo dục bằng Rao giảng Tin Mừng” (HDTQ 147). Tiếp nhận tầm quan trọng của chiều kích giáo dục và thăng tiến trong giáo lý, để ý đến nguy cơ giáo điều (nhồi sọ) mất đi tính cách cá nhân… Người ta bận tâm đến một giáo lýgiáo dục và thăng tiến, tôn trọng sự tiệm tiến và khả năng dẫn đến đức tin trưởng thành.
–          Từ việc truyền thông đơn giản bằng lời đến việc truyền thông bằng ngôn ngữ đa dạng (HDTQ 208-209). Người ta muốn khắc phục sự thiếu hụt việc dạy giáo lý “thủ bản” và việc truyền bá chỉ bằng lời, để mở ra một sự đa dạng về ngôn ngữ (tường thuật, biểu tượng, cử hành, chứng từ, nghệ thuật, v.v…) và mở tầm nhìn đến một thế giới rộng lớn của phương tiệnthông tin đại chúng và truyền thông xã hội.
–          Từ sư phạm đồng hóa (hấp thụ – assimilation) đến sư phạm sáng tạo. Người ta mong ước bước chuyển tiếp từ việc dạy giáo lý đơn giản chỉ là “hấp thụ”, thuần túy tiếp nhận một nội dung đã định sẵn, đến một việc dạy giáo lý mang tính sáng tạo và tính đồng trách nhiệm (HDTQ 157).
5.   Sự quan tâm nổi bật đến nơi chốn và môi trường mới cho việc dạy giáo lý
–          Việc dạy giáo lý trong cộng đoàn và trong nhóm: người ta nhấn mạnh vai trò của cộng đoàn và vai trò của nhóm (HDTQ 159) như những nơi chốn và điều kiện tuyệt vời không thể thiếu cho sự trưởng thành đức tin, trước hết là mối quan hệ về nội dung và sự cấp thiết về “tương quan cá vị” của giáo lý viên.
–          Sự kích hoạt giáo lý gia đình (HDTQ 226-227): đứng trước thái độ thường là thụ động của các bậc cha mẹ, họ ủy thác trách nhiệm giáo dục tôn giáo của con cái họ cho người khác, đây là trách nhiệm được định giá lại và cổ võ khả năng giáo dục và giáo lý gia đình, gia đình như là tế bào của Giáo Hội và là nơi ưu tiên của việc giáo dục đức tin (nhất là giáo lý kinh nghiệm và giáo lý theo cơ hội).
–          Tầm quan trọng của cộng đoàn nhỏ hoặc cộng đoàn cơ bản (HDTQ 263-264). Người ta đã tái khám phá tiềm năng rao giảng Tin Mừng và tiềm năng dạy giáo lý nơi những cộng đoàn nhỏ ở mức độ nhân bản (human).
–          Sự phân biệt giữa việc dạy giáo lý và dạy tôn giáo ở học đường (cf. HDTQ 73-75). Ngày nay nảy sinh vấn đề trường công như là một nơi chốn để trình bày giáo lý của Giáo Hội. Nhìn chung, người ta có khuynh hướng xem viêc dạy tôn giáo nơi học đường như một tiếp cận giáo dục và văn hóa của hoạt động tôn giáo.
6.    Một dung mạo mới của Giáo lý viên và việc đào tạo GLV
–          Trong truyền thống, việc dạy giáo lý hầu như do các giáo sĩ chiếm độc quyền, nay chuyển sang giáo lý viên giáo dân, những người cắm rễ trong đời sống dân chúng, những chứng nhân đức tin trong thế giới.
–          Bổn phận của GLV được tái khám phá như thừa tác viên thực thụ của Giáo Hội, xứng đáng được chính thức nhìn nhận trong cơ cấu tổ chức và những kế hoạch mục vụ.
–          Người ta cảm thấy có một đòi hỏi chính đáng khi nghĩ tới việc đào tạo và sự đầu tưđúng đắn cho việc này. Khắc phục tình trạng huấn luyện hời hợt, ứng biến “mì ăn liền”, cổ võ một sự huấn luyện linh đạo kỹ lưỡng cho GLV và huấn luyện tính “chuyên nghiệp” thể hiện trong 4 chiều kích căn bản: là (essere/being – dung mạo nội tâm), biết (sapere/knowledge – hành trang kiến thức), biết làm (saper fare/savoir faire – khả năng làm việc) và biết sống/làm việc chung với nhau (saper vivere insieme/being together – khả năng tương giao).
7.    Một ý nghĩa mới về việc dạy giáo lý trong Giáo Hội và xã hội
–          Từ việc dạy giáo lý hữu hiệu đến việc bí tích hóa trong nội bộ Giáo Hội, người ta chuyển sang một giáo lý khai tâm, mà then chốt là Loan báo Tin Mừng.
–          Giáo lý “trở lại/hoán cải” mà hiện nay muốn bảo tồn, phải trở thành giáo lý của sự “biến đổi”, nhằm phục vụ một kiểu mẫu tín hữu mới, một mô hình cộng đoàn và mô hình Giáo Hội mới.
–          Từ lòng sùng đạo, nảy sinh mối bận tâm đến một giáo lý giải thoát và dấn thân, việc dạy giáo lý lưu ý đến chiều kích xã hội và lịch sử của đức tin.
–          Cuối cùng, dạy giáo lý  là mở ra cho cuộc gặp gỡ và đối thoại. Từ việc dạy giáo lý chú trọng đến sự bảo vệ ngày một hơn chính căn tính của mình, nảy sinh một tinh thần mở rộng đối thoại, nhạy cảm với chiều kích đại kết và có khả năng cổ võ sự hiểu biết lẫn nhau và sự chung sống hòa bình giữa những người có niềm xác tín và quan điểm khác nhau.