Chủ Nhật, 5 tháng 9, 2021

CN 23A

 Sách “Cổ học tinh hoa” kể chuyện Ngưu Hoằng, Ngưu Bật, là hai anh em ở chung với nhau. Ngưu Bật có tính thích nhậu, thường hay nát rượu.

Một hôm, lúc anh đi vắng, Ngưu Bật ở nhà uống rượu say túy lúy, bắn chết con trâu của anh. Người vợ ở nhà đón đợi chồng về, vừa thấy chồng bước vào cửa thì xăm xăm bảo chồng rằng:

-         Này! Chú nó ở nhà bắn chết trâu rồi!

-         Trâu chết thì bảo đem đi làm thịt, Hoằng bình tĩnh nói.

Nói rồi Hoằng vào nhà, vừa yên chỗ thì vợ đã đến giục giã:

-         Chú nó bắn chết trâu là việc to lắm, có phải việc thường đâu…

Hoằng vẫn giữ nét mặt hoà nhã trả lời:

-         Phải, tôi biết rồi mà.

Rồi mở sách vở ra xem, như không có chuyện gì cả. Thấy thế, người vợ nguôi giận, không dám nói gì nữa.

Trâu chết là việc lớn, nhưng còn một việc lớn hơn là cái tình, cái nghĩa! Nếu đưa đi kiện cáo, trâu chết vẫn chết mà lại mất thêm người em; chỉ nhờ nhịn chịu tật xấu của em mà Ngưu Hoằng giữ được cái tâm bình an và được người đời sau kính phục.

Cái được và cái mất trong cách đối nhân xử thế của người Kitô giáo đã được thánh Phaolô trình bày bằng một nguyên tắc rất dứt khoát: “Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần… được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non,… có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí,… mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi” (1Cr 13,1-3).

Nhưng đức mến thánh  nhân rao giảng lại đòi hỏi nhiều điều đi ngược lại với những suy tính thường tình, chỉ có thể thấy được và hiểu được dưới chân thập giá Đức Kitô: “… Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả.” (1Cr 13,7).

Đúng là không ai có thể hiểu và lý giải được tình yêu của Thiên Chúa, như linh mục nhạc sĩ Thành Tâm đã khéo léo trình bày trong bài hát “Yêsu, Yêsu”: “Nhìn thập giá ngất cao Yêsu chịu treo, con gẫm suy: sao Chúa yêu con làm chi?”; nhưng chính khi chịu chết vì tội của mọi người lại là lúc Đức Kitô mặc khải cho mọi người thấy Chúa xét xử mọi sự theo công lý của riêng Ngài, công lý của tình yêu: “Thiên Chúa đã đặt Người làm nơi xá tội nhờ máu của Người cho những ai có lòng tin. Như vậy, Thiên Chúa cho thấy Người là Đấng Công Chính” (Rm 3,25); và dạy cho mọi người biết lề luật của Nước Trời, con đường duy nhất họ phải theo, là sống đức mến, “vì ai yêu người, thì đã chu toàn lề luật” (Rm 13,8).

----------

Có một người đến gặp thánh Gioan M. Vianney và nói: “Thưa Cha, con muốn thảo luận với Cha vì con có nhiều nghi vấn về đạo.” Ngài trả lời: “Trước hết ông hãy xưng tội và rồi chúng ta sẽ thảo luận.”

Đã lâu năm không xưng tội nên ông hơi ngỡ ngàng, nhưng vì thánh nhân nhấn mạnh, lại khuyên bảo và nâng đỡ tâm hồn nên cuối cùng ông đã đồng ý xưng tội, cách sốt sắng. Sau khi ban phép giải tội, ngài mới nói: “Nào bây giờ chúng ta cùng thảo luận. Có phải ông hồ nghi về sự hiện hữu của Chúa, về tình thương của Ngài?” Người đàn ông đáp: “Thưa Cha, bây giờ con không cần thảo luận nữa, vì mọi nghi ngờ của con về đạo không còn khi con xưng tội xong.”

Còn gì để nghi vấn nữa khi đã gặp được tình yêu của Đức Kitô, và biết luật để sống hạnh phúc? Thế nên “anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái; vì ai yêu người, thì đã chu toàn lề luật” (Rm 13,8).